Ông kia nọ được ... sao tôi không? Saint Augustin

Lời thưa

Lời tựa

Thưa bạn,

Theo cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 2001, trang 487 có đoạn viết: “Khi viết tiểu sử danh nhân, tôi lựa những người có tâm hồn đẹp, có công với nhân loại tôi gom càng nhiều tài liệu về họ càng tốt, (tôi đã bỏ ra nhiều năm kiếm tài liệu về Hellen Keller), tìm hiểu những đau khổ, gắng sức, thành bại của họ, sống với họ rồi rung động say mê kể lại cuộc đời của họ để làm gương cho đời, tóm lại tôi thực tâm yêu quý những vị mà tôi viết, nhờ vậy loại GƯƠNG DANH NHÂN của tôi (gồm khoảng chục cuốn) được độc giả hoan nghênh, khen là hấp dẫn, cảm động hơn những cuốn người khác viết. Phải chính mình thích cái gì mình viết thì độc giả mới thích nó được: Đó là quy tắc mà cũng là bí quyết của tôi”.

Những vị đó đều có công lớn với khoa học, đều làm thay đổi đời sống của chúng ta đều nêu những tấm gương hy sinh cho cái Chân, đôi khi cả cái Mỹ nữa và đều coi thường vinh hoa phú quý mà chỉ tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc nhân loại. Một vài nhà cũng có những tật nhỏ, nhưng chính vì vậy mà họ rất gần với chúng ta và tiểu sử của họ mới cảm động.

Xét đời các vĩ nhân, ta thấy các vị ấy tuy chí khí, tài đức hơn ta, nhưng sinh ra cũng có những tật xấu như ta, những nhu nhược như ta và trong đời gặp những khó khăn gấp trăm ta, mà chỉ nhờ nghị lực, đã thắng được mọi trở ngại, trở nên những bậc anh hùng, hoặc ân nhân của loài người. Bài học đó kích thích ta biết bao!

Tấm gương của những danh nhân vĩ đại trong nhân loại là ngọn nến thần soi sáng con đường thiện một cách hấp dẫn cho tâm hồn ta. Mỗi lần thấy họ thánh đức, anh hùng, ta tuy là hạt cát trong sa mạc xã hội loài người chớ ta cũng có quyền nói như Saint Augustin rằng: “Isti istae, cur non ego? - Ông kia bà nọ được… sao tôi không?”

Tôi không lạc quan đến mức tin rằng cứ cố gắng thì cái gì làm cũng được. Vì tôi thấy ở đời có những sự thật hiển nhiên là: Thỏ thì chạy mau, mà rùa thì “rùa”. Tuy vậy, bạn và tôi, sau khi đọc, nghe và suy ngẫm từng cuộc đời GƯƠNG DANH NHÂN, rồi “SOI” vào hoàn cảnh riêng của mình, thì chúng ta dễ dàng kín múc nguồn cảm hứng để vươn lên, vượt lên, vượt trên và siêu việt thực tại của mình.

Được sự đồng ý của nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng (Chung cư Kingston Residence, Số 223-223B, đường Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) - người được ủy nhiệm hợp pháp, đại diện cho nhà văn quá cố Nguyễn Hiến Lê - chúng tôi được phép sử dụng tác phẩm dưới hình thức âm thanh và điện tử.

Với sự cộng tác và giúp đỡ của NSƯT Hoàng Yến và NSƯT Việt Hùng, những tác phẩm trong TỦ SÁCH THANH NIÊN của học giả Nguyễn Hiến Lê sẽ được chúng tôi lần lần chuyển thể và phục vụ tại trang này (www.guongdanhnhan.vn).

Kính mong nhận được ý kiến xây dựng của các bạn và các bậc cao minh để chương trình có thể phục vụ ngày càng đắc lực hơn.

Xin chân thành cảm ơn.

Chúc bạn tìm được niềm tin trong cuộc sống.

Nguyễn Thanh Tân



 

(Nguồn: Internet)

“Óc tôi không có gì là minh mẫn đặc biệt… mà chỉ có một khả năng suy nghĩ khá mạnh… Sở dĩ tôi phát minh được ít nhiều là nhờ tôi chịu nghĩ hoài về một vấn đề, để cho những tia sáng hiện ra lần lần đến khi thành một ánh sáng rực rỡ mới thôi”.

Isaac Newton


(Nguồn: internet)

“… tôi quyết tin rằng khoa học và thái bình sẽ thắng ngu muội và chiến tranh, rằng các dân tộc sẽ hòa hợp với nhau, không phải để tàn phá mà để xây dựng, và tương lai thuộc về những người nào giúp cho nhân loại đau khổ được nhiều việc nhất.

Các bạn trẻ, xin các bạn cứ tin ở những phương pháp chắc chắn, mạnh mẽ đó mà chúng ta chỉ mới biết được những bí quyết sơ đẳng. Và xin hết thảy các bạn mặc dầu làm nghề gì, đừng bao giờ thất vọng vì những buồn thảm có lúc xảy tới cho một quốc gia. Các bạn cứ vui sống trong sự bình tĩnh của phòng thí nghiệm và các thư viện. Trước hết, xin các bạn tự hỏi: “Tôi đã làm gì để học hỏi?” rồi một khi đã tiến rồi, thì tự hỏi: “Tôi đã làm gì cho nước tôi?”, cho tới lúc bạn thấy được nỗi vui mênh mông mà nghĩ rằng mình đã dự một phần nào vào sự tiến hóa và lợi ích của nhân loại”.

Louis Pasteur