Ông kia nọ được ... sao tôi không? Saint Augustin

Giải tuyên dương Công trạng

DƯ LUẬN VỀ
GIẢI TUYÊN DƯƠNG SỰ NGHIỆP VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT
NĂM 1973

Dư luận về Giải Tuyên dương sự nghiệp văn học, Nghệ thuật năm 1973
1. Báo ĐẠI DÂN TỘC - số 13-12-72 - Mục Hí trường:
Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa loan báo sẽ có thêm ba Giải thưởng Tuyên dương sự nghiệp Văn chương và Mỹ thuật cho giới văn nghệ sĩ. Mỗi giải một triệu đồng, sẽ phát vào dịp Tết Quí Sửu.
Xin đề nghị một danh sách các học giả, văn nghệ sĩ để đồng bào và văn nghệ giới tuyển chọn:
Học giả Nguyễn Hiến Lê, thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, kịch sĩ Năm Châu, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhạc sĩ Lê Thương…
Trong sáu vị chỉ chọn ba, vậy xin chọn quí vị nào lớn tuổi nhất, vì sợ rằng không tuyên dương sự nghiệp của quí vị đó trong năm nay, sang năm các ngài sẽ vắng mặt khi trao giải ! Đó là các cụ Nguyễn Hiến Lê, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Gia Trí(1)                                                                                       

                                                                                        VƯƠNG HỮU BỘT

2. Cũng báo trên, số 29-12-72, cũng mục trên, và cũng ký giả Vương Hữu Bột.
Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa đã gởi cho nhà báo bảng thể lệ về Giải Tuyên dương sự nghiệp văn chương - Học thuật - Mỹ thuật.
Theo thể lệ thì ai cũng có thể đứng ra giới thiệu người được Tuyên dương rồi Hội đồng tuyển trạch sẽ chọn lựa.
Một đặc điểm là trong phiếu giới thiệu phải có chữ ký của người được giới thiệu để tỏ ý chấp thuận sự giới thiệu dự tranh giải thưởng.
Đây là một điều phòng xa tốt.
Lỡ có những người được giới thiệu, để tuyển trạch để giao giải, nhưng lại không chịu nhận giải thưởng thì sao ? Như trước đây mấy năm, Ban tổ chức đã trao giải thưởng biên khảo(2) cho cụ Nguyễn Hiến Lê, nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê lại không tới lãnh giải.
Không lẽ chúng ta phải ban hành một sắc luật buộc các nhà văn hóa khi được trao giải thưởng phải tới lãnh(2).
(…)

3. Cũng là báo trên, số 18.1.73, cũng mục trên, cũng ký giả trên.
(…) Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần lãnh giải về học thuật cũng xứng đáng, dù rằng các tác phẩm của cụ có tính cách phổ thông hơn là thâm cứu. Gần đây có người ký trùng tên với cụ Nguyễn Duy Cần, viết trên báo Khoa học huyền bí, một tờ báo quá bình dân, không phải có đúng là cụ chăng ? Không lẽ một học giả lão thành được tuyên dương sự nghiệp mà lại tham dự vào cả các tờ báo rất phổ thông như vậy ?
(…)

4. Báo Tiền tuyến, (của chính quyền) ngày 20.1.1973.
Mục Tạp ghi - Về giải Tuyên dương Văn học, Nghệ thuật năm nay (…). Về ngành biên khảo ở Việt Nam hiện tại, người mà tôi cho là có công nhất phải kể đến Nguyễn Hiến Lê - Nhưng vì một lẽ nào đó, ông không muốn nhận giải. Thật là một sự đáng tiếc. Nếu không có ông Nguyễn Hiến Lê, ông Thu Giang (Nguyễn Duy Cần) nhận vinh dự kể trên cũng là một điều ổn thỏa (…)

                                                                              Ký giả LÔ RĂNG              

Đúng như ông Lô Răng viết, tôi không muốn nhận giải.
Năm đó ông Mai Thọ Truyền làm Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa, ông Nguyễn Duy Cần là cánh tay mặt ông Truyền, ông Giản Chi ở trong ban tuyển trạch.
Ông Đông Xuyên, bạn chung của ông Giản Chi và tôi, bàn với ông Giản Chi giới thiệu tôi để dự giải Tuyên dương, ông Giản Chi gạt đi, bảo: Bác ấy không nhận đâu, đừng giới thiệu”.
Cũng vào khoảng đó, ông Lê Ngộ Châu và ông Võ Phiến ở tạp chí Bách Khoa lại chơi vào một buổi chiều (trong khi tôi đương tiếp ông Từ Mẫn, Giám đốc nhà xuất bản Lá Bối) và cũng ngỏ ý muốn giới thiệu tôi. Trước mặt ông Từ Mẫn, tôi đáp:
      - Cảm ơn hai anh, nhưng thể lệ là tôi phải ký vào phiếu giới thiệu của hai anh. Tôi không muốn tranh với ai cả, không chịu ký đâu. Tôi không muốn nhận số tiền nào của chính  phủ này hết.
Giải thưởng đó là một triệu đồng mà giá vàng hồi đó khoảng 40.000 đồng một lượng.

 

 

Trích từ Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2001.
(Phục lục II, nơi trang 700 đến 703)

(1) Vì ông Nguyễn Hiến Lê từ chối, sau Phủ Quốc Vụ Khanh chọn ông Nguyễn Duy Cần, thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nhạc sĩ Lê Thương nhận giải.
(2) Về cuốn thượng bộ Đại cương Triết học Trung Quốc chúng tôi soạn chung với Giản Chi, xuất bản năm 1965 (cước chú của Nguyễn Hiến Lê).